Tiểu sử Ngô phu nhân (Đường Túc Tông)

Chương Kính hoàng hậu Ngô thị là người huyện Bộc Dương thuộc Bộc Châu[1]. Tằng tổ của Ngô thị là Ngô Huyến (吴绚), vốn là Huyện lệnh của huyện Đức Dương, tổ phụ Ngô Huấn (吴训) từng là Huyện lệnh của huyện Thần Tuyền. Cha bà Ngô Lệnh Khuê (吴令珪), đương thời là Huyện thừa của huyện Bì, do phạm tội mà cả nhà liên lụy, Ngô thị do đó bị sung nhập dịch đình.

Năm Khai Nguyên thứ 13 (725), Đường Huyền Tông đến phủ của Thiểm vương Lý Tự Thăng (tức Đường Túc Tông), thấy trong phủ không có đến một thị thiếp, bèn mệnh Cao Lực Sĩ đến dịch đình tuyển chọn Ngô thị vào phủ Thiểm vương[2][3]. Ngô thị thông minh đoan lệ, tuy thân phận tiện nô nhưng từ nhỏ thấm nhuần gia lễ, rất được Thiểm vương sủng ái.

Năm Khai Nguyên thứ 14 (726), tầm 1 năm sau khi nhập phủ, Ngô thị sinh hạ Trưởng tử Lý Thục, chính là Đường Đại Tông tương lai. Năm thứ 16 (728), Ngô thị lại sinh hạ Hoàng tam nữ Hoà Chính công chúa. Năm thứ 18 (730), Ngô thị qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi. Thi hài được an táng bên ngoài Xuân Minh môn (春明門).

Căn cứ Tân Đường thư, Ngô thị được ghi là [Niên thập bát, hoăng; 年十八薨], ý là Ngô thị qua đời khi năm 18 tuổi. Tuy nhiên căn cứ Cựu Đường thư thì Ngô thị được ghi: [Nhị thập bát niên, hoăng; 二十八年薨], là ý chỉ Ngô thị qua đời năm Khai Nguyên thứ 28 (740), ở đây sinh ra mâu thuẫn. Nếu Ngô thị năm Khai Nguyên thứ 28 qua đời, cộng thêm chi tiết của Tân Đường thư thì là khi 18 tuổi, thế chẳng lẽ Ngô thị hạ sinh Đại Tông năm thứ 14, chỉ mới 4 tuổi, hoàn toàn vô lý. Việc thông tin Cựu Đường thư sai lầm việc ghi chép, ghi sự kiện Huyền Tông giá hạnh phủ Thiểm vương năm Khai Nguyên thứ 13, mà lại ghi thành Khai Nguyên thứ 23 đã được Tư Mã Quang khi soạn Tư trị thông giám đã tiến hành khảo dị và đính chính.